Chi tiết bài viết

Bãi bỏ sổ hộ khẩu, quản lý bằng mã số định danh

Theo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, việc quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ bãi bỏ một phần, hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

 

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc tại phiên họp thẩm tra
 

Ngày 17/4, Thường trực Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Trình bày tờ trình dự án, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, tự do cư trú là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp, được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú.

 

Dự thảo luật đã thể chế hóa hai nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua: Một là bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cở sở dữ liệu về cư trú.

 

 Hai là, thay thế quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân. Điều này sẽ giúp bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

 

Tại phiên họp thẩm tra, các đại biểu đều bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú, ủng hộ các chính sách lớn của dự án Luật nhất là việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cở sở dữ liệu về cư trú.

 

Các đại biểu cho rằng phương thức quản lý này sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý công dân chặt chẽ, thực chất, khắc phục nhiều bất cập trong quản lý dân cư ở nước ta hiện nay. Đây là phương thức quản lý cư trú hiện đại dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế phát triển được một số quốc gia trên thế giới áp dụng.

 

Đề nghị lùi thời điểm trình dự án vì dịch COVID-19

 

Đồng tình với các giải pháp trên, tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung còn băn khoăn về tính khả thi, bởi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và đã chậm tiến độ so với yêu cầu của Luật Căn cước công dân. Tờ trình của Chính phủ cũng đã nêu, đến nay mới có 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân. Như vậy, việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi luật này có hiệu lực (năm 2021) trong khi còn một khối lượng lớn công việc cần phải thực hiện, đây là vấn đề cần cân nhắc thận trọng.

 

Cùng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho rằng, việc triển khai thi hành luật phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như việc cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân Việt Nam. Ông Bùi Văn Xuyền đề nghị cân nhắc thời điểm trình dự án luật này, có thể lùi thời gian trình sang kỳ họp thứ 10 để xem xét kỹ các nội dung, hoàn thiện hồ sơ. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc lấy ý kiến, khảo sát thực tiễn bị hạn chế nên khó có thể đánh giá được một cách đầy đủ.

Theo Luân Dũng

 

 

Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0937 220 227