Chi tiết bài viết
Sự thay đổi của mức đóng bảo hiểm y tế năm 2020
1. Tiền bảo hiểm y tế hộ gia đình tăng cao nhất 60 nghìn đồng/năm
Tại Điểm e Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146-2018/NĐ-CP ngày 17/10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực từ ngày 1/12-2018, mức đóng BHYT của đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình bằng 4,5% mức lương cơ sở.
Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Việc giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Năm 2020, khi Nhà nước điều chỉnh mức lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng, mức đóng BHYT của người tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng tăng lên. Mức tăng cụ thể như sau:
- Người thứ nhất đóng 1,6 triệu đồng x 4,5 % = 72.000 đồng/1 tháng. Mức đóng trước đây là 67.050 đồng/1 tháng, tăng 4.950 đồng/1 tháng hay 59.400 đồng/1 năm.
- Người thứ hai đóng 1,6 triệu đồng x 4,5% x 70% = 50.400 đồng/1 tháng, tăng 3.465 đồng/1 tháng, tương đương 41.580 đồng/1 năm
- Người thứ ba đóng 1,6 triệu đồng x 4,5% x 60% = 43.200 đồng/1 tháng, tăng 2.970 đồng/1 tháng, tương đương 35.640 đồng/1 năm.
- Người thứ tư đóng 1,6 triệu đồng x 4,5% x 50% = 36.000 đồng/1 tháng, tăng 2.475 đồng/1 tháng, tương đương 29.700 đồng/1 năm.
- Từ người thứ năm trở đi, mức đóng là 1,6 triệu đồng x 4,5% x 40% = 28.800 đồng/1 tháng, tăng 1.980 đồng/1 tháng, tương đương 23.760 đồng/1 năm.
Ngoài bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, việc tăng lương cơ sở từ ngày 01-7-2020 cũng tác động khá nhiều tới mức đóng của những đối tượng khác, đặc biệt là nhóm đóng trực tiếp trên mức lương cơ sở và nhóm đóng theo mức lương tháng đóng BHXH.
2. Mức hưởng bảo hiểm y tế năm 2020
Mức hưởng BHYT năm 2020 không thay đổi so với năm 2019, tuy nhiên, mức thanh toán trực tiếp lại ít nhiều có sự thay đổi do ảnh hưởng khi tăng lương cơ sở từ 1-7-2020.
Khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 quy định, người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí trong phạm vi được hưởng với mức hưởng:
- 100% chi phí khám, chữa bệnh nếu là bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 06 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở…
- 95% chi phí khám, chữa bệnh nếu là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo…
- 80% chi phí khám, chữa bệnh nếu là đối tượng khác.
Cũng theo Luật này, tại khoản 3 Điều 22, khi đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến, người có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT thanh toán:
- 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương
- 60% chi phí điều trị nội trú đến ngày 31-12-2020 tại bệnh viện tuyến tỉnh
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.
Từ ngày 1-7-2020 khi lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng thay vì 1,49 triệu đồng/tháng thì mức thanh toán trực tiếp cho người có thẻ BHYT được quy định tại Điều 30 Nghị định 146-2018/NĐ-CP cũng tăng tương ứng.
Theo đó, với trường hợp khám, chữa bệnh tại tuyến huyện và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT:
+ Ngoại trú: Tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám, chữa bệnh, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 223.500 đồng lên 240.000 đồng.
+ Nội trú: Tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 745.000 đồng lên 800.000 đồng.
Khám, chữa bệnh nội trú tại tuyến tỉnh và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT: Tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng.
Khám, chữa bệnh nội trú tại tuyến trung ương và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT: Tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 3,725 triệu đồng lên 4 triệu đồng.
Đối với khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký ban đầu không đúng quy định:
+ Ngoại trú: Tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám, chữa bệnh, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 223.500 đồng lên 240.000 đồng.
+ Nội trú: Tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 745.000 đồng lên 800.000 đồng.
- Quy định mới về mức thu nhập đóng thuế TNCN
- Từ 15/5, CSGT dừng xe kiểm tra không cần chỉ ra lỗi vi phạm ban đầu
- Mức xử phạt trốn đóng BHXH, BHTN mới nhất năm 2020
- Đối tượng và trường hợp được hoàn thuế GTGT
- Xác định kê khai thuế GTGT theo quý hoặc tháng theo Thông tư 151/2014/TT-BTC
- Thời hạn nộp các loại tờ khai thuế
- Bãi bỏ sổ hộ khẩu, quản lý bằng mã số định danh
Các Bài Viết Khác