Chi tiết bài viết

Dễ dàng bị mất việc trong 10 ngày

     Khi bắt đầu một công việc mới, khoảng thời gian để chúng ta thích nghi với môi trường làm việc và xây dựng các mối quan hệ với đồng nghiệp là khoảng 30-90 ngày đầu tiên. Không những thế, trong khoảng thời gian này, quản lý nhân sự và đồng nghiệp của bạn cũng sẽ xem xét liệu họ có nên tiếp tục làm việc với bạn nữa hay không.

    Chúng tôi đã trò chuyện với Amanda Augustine, một chuyên gia tư vấn nghề nghiệp cho TopResume, cô ấy cho biết: "Nếu bạn muốn nghỉ việc nhanh chóng thì cứ tiếp tục làm theo 6 điều này. Nhưng, nếu bạn thực sự muốn thành công trong công việc mới thì hãy cố gắng tránh chúng đi".

    Mất việc trong 10 ngày ư, dễ ẹc mà, nếu bạn cứ “làm theo” 6 điều sau:

1. Nghĩ rằng được nhận vào làm là xong

     Suy nghĩ sai lầm đầu tiên mà người mới được nhận việc vào công ty thường mắc phải là gì? Augustine đã trả lời rằng đó là khi họ nghĩ rằng mọi chuyện đã xong xuôi khi được ứng tuyển thành công và nhận vào làm tại công ty.

     Augustine muốn gửi lời nhắc nhủ đến "những ma mới" như thế này, "Đúng là giấy trắng mực đen đã rõ ràng trên bản hợp đồng làm việc, nhưng đừng vì thế mà lơ là, thong thả muốn làm gì cũng được. Phải luôn nghĩ những tháng đầu tiên trong công việc mới của mình là thời gian "phát sinh thêm" của buổi phỏng vấn, hay còn được biết đến như là thời gian thử việc. Trong 90 ngày đầu đi làm, quản lý của bạn vẫn sẽ xem xét, đánh giá xem liệu bạn có thực sự hợp với vị trí này hay không."

2. Đăng tin lên mạng xã hội mà không suy nghĩ

     Việc thông báo cho gia đình và bạn bè biết mình đã nhận được công việc mới thì hoàn toàn không có lỗi gì. Nhưng thật sự bạn nên để mọi việc ổn định và khi bạn bắt đầu làm tốt việc được giao trước đã, rồi hãy thông báo tin này lên mạng cho gia đình và bạn bè biết, chuyện này cũng không hề muộn màng gì cả.

     Hơn nữa, Augustine còn khuyên bạn nên tập cách suy nghĩ thận trọng hơn về việc sử dụng mạng xã hội, theo cô ấy thì chúng ta phải luôn thận trọng về việc đăng tin liên quan đến đồng nghiệp và sếp của mình, dù là trong quá khứ hay ở hiện tại, vì chẳng ai muốn mướn một người thích nói xấu chủ cũ trên mạng về làm việc cho công ty của mình đâu.

3. Thái độ không tốt, giả tạo

     Khi bạn bắt đầu công việc mới, bạn đừng quên bản thân vẫn phải cố gắng chứng minh năng lực của mình nhé. Trong suốt 30-90 ngày đầu tiên vô cùng quan trọng, vì đồng nghiệp và sếp của bạn có thể dùng khoảng thời gian này để xem xét việc chọn bạn vào vị trí của công ty họ là đúng hay sai.

     Augustine nói rằng "Phải luôn nhớ bạn vẫn còn đang trong thời gian thử việc cho công việc mới, vì vậy luôn cân nhắc, xem xét mọi tình huống, cố gắng thể hiện thái độ tốt nhất. Bạn nên tới văn phòng đúng giờ và làm việc với thái độ tích cực, hăng say. Hãy làm quen với những đồng nghiệp mới để họ có thể giúp bạn làm quen với công ty, và trả lời những câu hỏi bạn vẫn còn thắc mắc khi vào công ty".

    Ngày đầu tiên đi làm, bạn nên thể hiện bạn là một ứng cử viên đáng giá, thích hợp nhất, và thuyết phục được sếp bạn với ý nghĩ công ty thuê bạn là một quyết định đúng đắn. 

4. Thể hiện rằng mình biết mọi thứ

     Một lỗi lầm lớn khác mà người mới vào làm thường mắc phải nhất là họ nghĩ mình biết tất cả mọi thứ. Bạn cố thể hiện mình là "ông thần biết tuốt" trong lúc đồng nghiệp đang chỉ dẫn bạn, chúc mừng bạn, bạn đã tạo nghiệp thành công rồi đó.

     Theo Augustine, "Dù bạn có giàu kinh nghiệm tới đâu thì vẫn có nhiều thứ cần phải học khi bạn bắt đầu một công việc mới. Đừng ngại hỏi về nhiệm vụ được giao hoặc sắp xếp một buổi họp để được trao đổi với đồng nghiệp và trực tiếp hỏi họ những thắc mắc còn vướng phải. Trong suốt những tháng đầu tiên làm việc này, thông tin về công việc sẽ vô cùng quan trọng, chúng sẽ giúp bạn làm việc với mức năng suất tốt nhất có thể."

5. Sử dụng tài khoản cá nhân tại nơi làm việc

     Ban đầu, cố gắng tập trung 150% vào công việc mới của mình.

     Augustine đề nghị rằng: " Bạn không được để bị bắt gặp khi đang trả lời email trên tài khoản cá nhân của mình, hay lướt các kênh truyền thông xã hội cá nhân của bạn (trừ khi đó là một phần công việc của bạn phải làm) hoặc nhận các cuộc gọi cá nhân tại văn phòng. Mọi công ty đều có văn hóa và chính sách riêng về việc sử dụng các thiết bị cá nhân, tuy nhiên, tốt nhất bạn nên tập trung vào công việc và để dành lại việc check email cá nhân, cập nhật Facebook của bạn vào thời gian nghỉ của công ty."

6. Suy nghĩ vội vàng

     Thay vì mưu tính và nói ra hướng đi, kế hoạch sự nghiệp của bạn vào ngày thứ 3 đi làm, bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu các hoạt động bên trong công ty một cách nhuần nhuyễn đã, việc thể hiện bản thân như một nhân viên có giá trị cho công ty cũng sẽ giúp ích cho bạn trong tương lai nữa đấy.

     Theo Augustine thì việc bạn được làm việc trong bộ phận chăm sóc khách hàng, nhưng mục tiêu thực sự của bạn là chuyển sang bộ phận tiếp thị của công ty, đừng vì thế mà hấp tấp hô hào muốn chuyển sang bộ phận đó, nếu không chỉ làm hỏng "giấc mơ sự nghiệp" của bạn thôi. Việc đầu tiên bạn cần làm ở đây là phải tập trung vào vai trò mà bạn được thuê, ở đây chính là một nhân viên chăm sóc khách hàng. Bạn phải chứng minh được rằng bạn là một nhân viên có năng lực, có giá trị trong bộ phận hiện tại trước khi bạn muốn chuyển sang một vị trí khác của công ty.

Nguồn: glassdoor.com

 

Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0937 220 227