Chi tiết bài viết

Đừng vội thay đổi công việc mà hãy thay đổi suy nghĩ của bạn

     Không phải tự dưng người ta gọi là "công việc mơ ước", có người được làm công việc mình thích, có người không. Ít nhất là ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống, chúng ta sẽ phải hy sinh sở thích cá nhân vì những ưu tiên khác quan trọng hơn hoặc chấp nhận vì mục tiêu trong tương lai. Muốn làm được quản lý thì trước hết bạn phải học cách làm nhân viên đã, trừ khi công ty là nhà bạn mở ra. Không phải điều gì diễn ra cũng sẽ theo ý bạn, vì vậy phải biết nắm bắt thời cơ. Sự nghiệp hay công việc đều có thể thay đổi khiến bạn không lường trước được. Để đối phó với những thay đổi bất ngờ trong công việc, bạn cần có những suy nghĩ tích cực. Trong giai đoạn chán nghề cũng vậy, thay vì nhảy việc, hãy thay đổi suy nghĩ của bạn nhé.

I. Tại sao phải làm công việc mình không thích?

     "Chúng ta chỉ nên làm công việc mình yêu thích thôi", nói thì dễ làm mới khó. Đôi khi chúng ta buộc phải chọn tiếp tục làm việc mình không thích nhưng có đủ năng lực để làm. Một số trường hợp bạn thực sự cần có việc làm để có tiền trả hóa đơn hàng tháng, học phí cho con cái,... Có thể ngay từ đầu bạn hài lòng với vị trí đó nhưng nó trở nên đáng ghét sau khi công ty bạn đổi chủ, sếp cũng thành người mới hoặc thay đổi dự án.
     Đã qua rồi cái thời bốc đồng, nông nổi, bạn có nhiều thứ phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định quan trọng, vì thế bạn cần chịu đựng trong khoảng thời gian đặc biệt quan trọng.
     Bạn không biết chính xác mình muốn làm gì trong thời gian tới, thường thì chúng ta xác định thứ mình không thích dễ dàng hơn là thứ mình thực sự mong muốn. Bạn biết mình không thích nghề giáo viên, không thích làm phiên dịch nhưng lại không biết chính xác mình muốn làm gì nhất. Vì vậy, bạn lựa chọn một việc mà mình không ghét, dù thiếu định hướng nghề nghiệp thì có thu nhập vẫn hơn là không. Hãy luôn xác định và thấy rõ được Động lực làm việc của bạn là gì? Bạn muốn thực hiện động lực đó bằng cách nào? Hãy luôn cố gắng nhưng cũng đừng quá nóng vội bởi không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng tìm được công việc mà mình mong đợi.
     Nếu bạn rơi vào tình huống chán việc mà chưa sẵn ràng để rời bỏ, bạn cần làm gì để bản thân không rơi vào bế tắc và trạng thái tiêu cực? Tham khảo cách duy trì động lực trong công việc dưới đây để biến công việc hiện tại trở thành bước đà cho sự nghiệp trong tương lai.

II. Cách duy trì động lực làm việc

1. Biết lý do mình chọn ở lại

     Luôn nhắc nhở mình hàng ngày lý do tại sao bạn chọn tiếp tục làm công việc này dù không thích. Chính điều đó sẽ giúp bạn vượt qua thời gian khó khăn. Không ngừng nói với bản thân điều gì thực sự quan trọng giúp bạn duy trì sự tập trung để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bất kể đó là nguyên nhân gì và bạn không nhất thiết phải nói với người khác nên hãy cứ thành thật với bản thân. Điều quan trọng là lý do đó có ý nghĩa với bạn và hoàn cảnh hiện tại của bạn. Hãy luôn biết cách tự đặt câu hỏi chán việc, chán nghề có nên tìm việc mới luôn hay không? Hãy xác định cho mình một nền tảng thật tốt để có cơ sở tốt nhất khi quyết định chuyển việc ở thời điểm mà bạn cảm thấy chán nghề, chán việc.

2. Bắt đầu kế hoạch cho tương lai

     Sau khi tìm ra lý do mình còn ở lại vị trí đó, bạn cần lập kế hoạch cho tương lai nếu không muốn tình trạng này kéo dài mãi cho đến khi bạn về hưu. Điều gì cho bạn hy vọng? Nếu đã xác định được mục tiêu thì việc còn lại là tiến hành từng bước đến gần mục tiêu đó. Nếu bạn muốn tự kinh doanh, hãy bắt đầu lên ý tưởng từ ngay hôm nay, bạn phân phối sản phẩm hay tự phát triển sản phẩm riêng? Huy động vốn từ nguồn nào? Quảng cáo và marketing ra sao để thu hút khách hàng mục tiêu? Nếu bạn muốn đổi nghề thì nghề đó cần có kỹ năng gì và học trong bao lâu?

3. Dự phòng tài chính

     Nguy cơ khi làm công việc mình không thích trong thời gian dài sẽ khiến cả tâm trạng và nhiệt tình sa sút trước khi bạn sẵn sàng nghỉ việc. Thực hiện công tác chuẩn bị cần thiết trước khi bạn đủ khả năng thực hiện kế hoạch, tâm lý và năng lực đối mặt với thách thức trong công việc mới. Dự phòng tài chính cho trường hợp xảy ra rủi ro.
     Nếu bạn đang rơi vào hoàn cảnh phải làm việc mình không thích, đừng vội than trách bản thân hay hoang mang, sợ hãi. Điều này xảy ra với bất cứ ai. Thay vào đó, tìm ra con đường phía trước và chuẩn bị mọi thứ để bạn đến đó một cách an toàn. Trong khi đó, đừng quên làm hết sức mình ở công việc hiện tại, dù thế nào thì nó cũng mang lại cho bạn nguồn thu nhập hàng tháng và đó là trách nhiệm của bạn. Chỉ khi làm tròn trách nhiệm với quản lý, với công ty bạn mới tự tin ngẩng cao đầu. Ngoài ra, mạng lưới quan hệ luôn là tài sản quý giá để bạn làm nên sự nghiệp, đừng quên giữ mối quan hệ tốt đẹp với quản lý và đồng nghiệp sau khi rời đi.
     Bạn cần lưu ý rằng trước khi tìm việc mới, đừng quên làm mới Cv xin việc của mình nhé. Hãy cập nhật những kỹ năng, kinh nghiệm mới mà bạn học hỏi được để khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá chúng ta cao hơn. Đặc biệt, bạn nên chọn những mẫu Cv xin việc chuyên nghiệp, theo đúng phong cách ngành nghề mà mình lựa chọn nhé.

 

Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0937 220 227