Chi tiết bài viết

Nhảy việc trong cơn “bão giá”

 

Trong thời buổi kinh tế nhiều biến động, nhiều người sẵn sàng ra đi vì một mức thu nhập tốt hơn.

 

Nhiều người sẵn sàng ra đi vì một mức thu nhập tốt hơn

 

Những người trẻ vốn hay nhảy việc, khi kinh tế biến động, tình trạng này càng diễn ra nhiều hơn. Vì mong muốn một mức lương khá hơn, vì doanh nghiệp hoạt động không tốt, vì môi trường không phù hợp… họ quyết định ra đi trong cơn “bão giá”.

 

Nơi nào lương cao thì đến

 

Tú phụ trách phòng Truyền thông-quảng cáo của một tập đoàn xuất nhập khẩu lớn trong nước. Tưởng chừng sẽ gắn bó với nơi này lâu dài, nhưng khi kinh tế sụt giảm thì tập đoàn cũng hạn chế tối đa mảng tiếp thị quảng cáo, truyền thông.

 

Việc ít, cùng với nguy cơ giảm nhân lực, trong khi đó sức ép cuộc sống ngày càng lớn, Tú quyết định nghỉ việc để chuyển vào Nam làm một dự án phi chính phủ. Tuy xa nhà nhưng với mức lương 2.000 USD, Tú tạm chấp nhận với công việc mới của mình.

 

Vì công ty hoạt động không hiệu quả, thiếu vốn nên tài chính luôn ở thế bất ổn, từ ba tháng nay Phương luôn được nhận lời xin lỗi vì chưa trả được lương của ban giám đốc. Không có sự lựa chọn nào khác, Phương quyết định đi tìm việc mới.

 

Vị trí marketing-lĩnh vực của Phương thì có khá nhiều doanh nghiệp tuyển dụng, nhưng lựa chọn một doanh nghiệp như thế nào mới là quan trọng. Chấp nhận vay mượn bạn bè sống cho qua ngày, phải hai tháng trời Phương mới tìm được cho mình một công việc vừa ý và một mức lương cao ấp 1,5 lần so với công ty cũ.

 

“Nhìn bên ngoài mình không thể đoán được họ có hoạt động hiệu quả hay không, môi trường ra sao, cho nên cứ phải tìm hiểu thật kỹ. Thời điểm này cũng nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng thì nói nhiều điều tốt đẹp nhưng vào làm rồi mới thất họ sắp bên bờ vực phá sản. Đằng nào mình cũng tìm việc cơ mà, tại sao không cố gắng tìm một nơi thật tốt.

 

Hiện nay, có khá nhiều bạn trẻ ở tình thế tương tự như Tú và Phương, lương không cao, thậm chí còn thường xuyên bị trả chậm trong khi đó giá cả ngày một tăng khiến những người trẻ cảm thấy quá chật vật trong cuộc sống. Chính vì thế, xu hướng nghỉ việc, tìm một chỗ làm mới lương cao, chế độ đãi ngộ tốt, doanh nghiệp bền vững đang là sự lựa chọn mới của giới trẻ.

 

Nhảy việc trong cơn "bão giá"

 

Vẫn nhảy, dù tiền ít hơn

 

Không chỉ các bạn trẻ phụ trách những mảng cần hạn chế trong thời điểm lạm phát, mà hiện nay cũng có rất nhiều người nhảy việc nhằm để tiết kiệm tiền hoặc tính một chính sách lâu dài cho tương lai.

 

Mai, thư ký giám đốc một công ty phần mềm thì quyết định nghỉ việc vì công ty ở quá xa nhà. Nhà Mai ở Gia Lâm, văn phòng ở Cầu Giấy, mỗi ngày chỉ tính riêng tiền xăng với chiếc xe ga Mai cũng đã mất 40.000đ, thế là đợt này cô quyết định nghỉ để tìm việc ở công ty nào đó gần nhà cho tiện, nếu có đi xe máy cũng đỡ tốn tiền, còn nếu không có thể đi bộ hoặc đi xe đạp.

 

Thọ - một chuyên viên phần mềm thì quyết định chuyển về quê làm việc để thoát khỏi cuộc sống hiện tại. Một tháng làm được khoảng 10 triệu đồng nhưng so với nhu cầu thì đối với Thọ là không đủ. Cho nên, về quê, dù mức lương thấp hơn nhưng không phải lo tiền ăn, tiền nhà cùng các khoản lặt vặt khác, cũng thoải mái hơn việc ở lại Hà Nội.

 

Giữ gìn nhan sắc, sức khỏe - đó là lý do khiến Trang, từng là quản lý một doanh nghiệp máy tính lớn ở Hà Nội, quyết định chuyển đến chỗ làm mới. Thời sinh viên, cô đi làm vì tiền, còn bây giờ khi đã có người yêu, để giữ gìn nhan sắc thì cô nghĩ đến việc chọn một công việc nào đó mà không phải ra ngoài nhiều.

 

Cô sinh viên nhanh nhẹn, năng động ngày nào giờ đã trở thành một nàng tiểu thư yểu điệu thục nữ làm việc văn phòng cho một doanh nghiệp nhỏ. “Chẳng sao cả, em làm vừa đủ tiêu vặt là được, miễn sao da dẻ của mình không bị xạm đi vì nắng mưa” - Trang cho biết.

 

Có trăm nghìn lý do để nhảy việc, nhưng khi áp lực giá cả ngày càng lớn thì người trẻ sẵn sang từ bỏ một công việc mình gắn bó để có một môi trường mới với mức lương cao hơn. Dẫu biết là khó khăn, nhưng với năng lực và niềm đam mê của mình, những người trẻ vẫn không ngần ngại ra đi để tìm đến một môi trường làm việc mới.

 

Tuy nhiên, với những bạn trẻ sống xa gia đình, nếu bạn không muốn ăn mì ôm uống nước sôi cầm hơi thì cần chuẩn bị cho mình một ít tài chính để đề phòng thất nghiệp dài dài. Đó cũng là một kinh nghiệm nhỏ cho những ai muốn nhảy việc trong thời điểm hiện nay”.

Theo Dân Trí

 

 

Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0937 220 227